Nghề môi giới bất động sản có phải 1 nghề dễ làm giàu ?

Chỉ 5% người hành nghề đạt được thành công. Nhưng rất nhiều người vẫn vô cùng háo hức bước chân vào nghề môi giới bất động sản. Bởi cơ hội việc làm, thu nhập khủng, kiếm vài tỷ đồng một năm. Hay còn lý do nào khác? Cùng tìm hiểu môi giới bất động sản là gì? Cần những gì để thành công trong nghề?

1. Môi giới bất động sản là gì?

Môi giới bất động sản là việc làm trung gian cho các bên mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản (Luật kinh doanh bất động sản 2014). Môi giới bất động sản tiếng Anh là Real Estate Consultant. Họ là người tư vấn, tiếp thị, quảng cáo bất động sản đến những khách hàng có nhu cầu. Khác với nhân viên bán hàng chỉ tìm kiếm người mua. Nhân viên môi giới phải tìm cả người mua và người bán. Nhằm trao đổi, tiếp nhận nhu cầu và tạo kết nối giữa người mua – người bán.

2. Công việc của nhân viên môi giới bất động sản

– Tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

– Cung cấp thông tin các dự án, chính sách khuyến mại; tư vấn mua

– bán nhà đất, đầu tư kinh doanh bất động sản; tư vấn pháp lý; hỗ trợ khách hàng các thủ tục ký kết hợp đồng.

– Duy trì quan hệ với khách hàng.

– Nghiên cứu, cập nhật tình hình bất động sản. Thực hiện các hoạt động định giá, đấu giá bất động sản.

– Thực hiện chiến lược phát triển kinh doanh của ban giám đốc.

Đây là những công việc chính của nhân viên môi giới bất động sản. Tùy theo lĩnh vực của mỗi người lại có những nhiệm vụ, yêu cầu khác nhau.

3. Ưu điểm của nghề môi giới bất động sản

  • Không cần bằng cấp vẫn có cơ hội việc làm

Hiện nay, thị trường bất động sản toàn quốc đang phát triển theo hướng ổn định. Các sản phẩm bất động sản được đa dạng hóa và đầu tư kỹ lưỡng hơn. Sàn giao dịch nhà đất mọc lên như nấm sau mưa. Do đó nhu cầu môi giới BĐS cũng tăng cao. Tuyển dụng ngành bất động sản khá dễ dàng. Nhiều nhân viên môi giới trẻ không có nhiều kinh nghiệm vẫn có thể “tay ngang” bước vào nghề. Cơ hội việc làm và thăng tiến luôn rộng mở đối với những ai muốn theo đuổi.

  • Thu nhập cao

Ngoài mức lương cứng, nhân viên môi giới còn có thu nhập từ tiền hoa hồng nếu chốt sale thành công. Tùy chính sách mỗi công ty, bạn có thể nhận thêm 2 – 5% giá trị bất động sản. Các giao dịch bất động sản thường có giá trị cao. Vì thế tiền hoa hồng mà nhân viên môi giới có thể nhận được cũng rất hấp dẫn. Nếu bạn có năng lực thì cơ hội làm giàu từ nghề này là không khó.

  •  Môi trường làm việc thoải mái

Nếu bạn là người năng động, không ưa gò bó thì đây là việc làm thích hợp. Trở thành nhà môi giới bạn sẽ không phải làm bạn với 4 bức tường 8 giờ mỗi ngày. Thay vào đó, bạn có thể di chuyển nhiều địa điểm để gặp khách hàng, đối tác truyền thông… Đi càng nhiều càng học được nhiều điều và có thêm các kỹ năng. Thời gian làm việc cũng rất linh hoạt. Do đó, nhiều người lựa chọn bất động sản là nghề phụ.

  • Mở rộng mối quan hệ

Khách hàng bất động sản có thể đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, bạn có thể mở rộng thêm các mối quan hệ của mình. Bên cạnh đó, nếu giữ được mối quan hệ này, bạn có thể xây dựng được nguồn khách hàng tiềm năng.

Ngoài ra, những người tìm đến môi giới nhà đất đều có tài chính và những thành tựu nhất định trong sự nghiệp. Điều này giúp bạn có thể học hỏi được nhiều bài học cho bản thân.

4. Những khó khăn trong nghề môi giới bất động sản

Nhiều người nuôi ước mơ theo đuổi mức thu nhập cao. Tuy nhiên làm nghề môi giới bất động sản cũng như đang đi trên con đường “dễ đi nhưng không dễ đến”. Để đạt được thu nhập đáng mơ ước phải bỏ ra rất nhiều công sức. Hơn hết, đây là ngành nghề chỉ dành cho những ai có đủ bản lĩnh.

  • Tìm kiếm khách hàng

Đây là công việc vất vả nhất của người làm môi giới BĐS, nhất là người mới vào nghề. Khách hàng ít khi chủ động tiếp cận. Mà bạn bạn tự tìm kiếm và gặp gỡ. Tìm khách hàng cho những sản phẩm giá trị thấp không khó. Nhưng những căn nhà, dự án lớn mang lại hoa hồng cao thì không dễ dàng. Làm sao để tìm ra những khách hàng tiềm năng trong đám đông? Đó là việc mà nhân viên môi giới phải cố hết sức tìm kiếm.

  • Vấn đề tài chính

Với người mới bắt đầu để có giao dịch thành công đầu tiên phải mất 3 – 4 tháng để chuẩn bị và “vấp ngã”. Khoảng thời gian này bạn phải tốn khá nhiều chi phí để tìm kiếm khách hàng, tạo mối quan hệ…

Tất nhiên, bạn sẽ có khoản lương cứng đủ dùng cho việc tìm kiếm khách hàng. Nhưng những ai không biết quản lý tài chính sẽ dễ thâm hụt ngân sách. Và đây chính là rào cản khiến nhiều người bỏ việc trong 2 – 3 tháng đầu.

Bên cạnh đó, ngay cả những người đã có chỗ đứng trong nghề vẫn có thể đối mặt với tình trạng tài chính bấp bênh. Do nguồn thu nhập phụ thuộc rất nhiều vào tiền hoa hồng. Nhưng không phải lúc nào cũng có hợp đồng.

  • Xây dựng mối quan hệ

Ở Việt Nam, kinh doanh bất động sản thường dựa trên mối quan hệ và tin tưởng. Vì thế, các mối quan hệ là mấu chốt làm nên sự thành công của nhân viên môi giới. Tuy nhiên đây là một thách thức lớn, đòi hỏi bạn phải có sự khôn khéo và luôn tìm kiếm.

  • Áp lực lớn trong công việc

Làm tư vấn bất động sản, bạn phải làm quen với việc phải đi làm cả ngày nghỉ và ngoài giờ hành chính. Bạn có thể đầu tư rất nhiều nhưng nhận lại chẳng bao nhiêu. Thậm chí phải đối mặt với những khoản vốn không thể thu hồi hay khoản nợ lớn. Nghề này cũng tồn tại rất nhiều áp lực và khắc nghiệt. Nếu không xác định rõ mục tiêu và nỗ lực, bạn sẽ dễ dàng chán nản và bỏ việc.

  • Đối mặt với những tình huống không mong muốn

Bạn sẽ phải chuẩn bị tinh thần thép để đối mặt với những tình huống bất ngờ trong công việc. Như khách hàng hủy giao dịch vào phút chót. Hay hẹn gặp nhưng lại không đến. Đối với nhân viên môi giới nữ có thể gặp nguy hiểm vì khách hàng không đứng đắn.

5.Kiến thức cần có của nhân viên môi giới bất động sản

  • Kinh tế học

Môi giới bất động sản là một phần thuộc mua bán và kinh doanh bất động sản. Nắm được những kiến thức kinh tế học giúp ích nhà môi giới rất nhiều trong công việc. Ví dụ như phân tích thị trường,nguồn cung, nhu cầu khách hàng… Bạn sẽ phát triển công việc theo hướng chuyên nghiệp chứ không phải “cò” theo hướng tiêu cực của nghề.

Bên cạnh đó, bạn có thể làm công việc tư vấn đầu tư khi thực sự am hiểu về kinh tế và thị trường.

  • Kiến thức về Marketing

Kiến thức Marketing sẽ hỗ trợ nhân viên môi giới BĐS rất nhiều trong tìm kiếm khách hàng. Bạn sẽ có nhiều ý tưởng để tiếp thị, quảng cáo một sản phẩm bất động sản đến đúng khách hàng mục tiêu.

Kiến thức về kinh tế học và Marketing giúp bạn đánh giá thị trường một cách tổng thể hơn. Và ai am hiểu thị trường, nắm bắt được khách hàng là người chiến thắng.

  • Quản trị học

Công việc này không phải chỉ dựa vào sức của bản thân. Bạn cần có đồng nghiệp, cộng sự hay nhân viên dưới quyền để chia sẻ vấn đề trong công việc. Việc quản lý, sắp xếp công việc của các thành viên một cách khoa học là cần thiết. Điều này giúp công việc diễn ra đúng hướng và hạn chế được những rủi ro.

  • Kiến thức về pháp luật

Quá trình giao dịch bất động sản là giao dịch khối tài sản lớn. Khi làm thủ tục giấy tờ cần phải hiểu về các điều luật liên quan. Việc trang bị kiến thức luật pháp sẽ giúp bạn tránh được những rủi ro không đáng có cho khách hàng và bản thân.

Ngoài ra, khách hàng còn cần tư vấn pháp lý trong các giao dịch. Việc nắm được những kiến thức về luật sẽ là lợi thế lớn để bạn phát triển công việc.

6. Yêu cầu đối với môi giới bất động sản

  • Kiến thức

Nếu bạn nghĩ người làm môi giới chỉ cần vẻ ngoài và tài ăn nói thì bạn đã nhầm. Ngoài những kiến thức đã nêu ở trên, bạn còn cần rất nhiều kiến thức khác. Như hiểu biết về kiến trúc, phong thủy, trang trí nội thất…

  • Kỹ năng mềm

Do tính chất công việc phải gặp mặt trực tiếp với khách hàng nên đòi hỏi bạn phải có các kỹ năng mềm. Điều này còn giúp bạn thực hiện công việc dễ dàng hơn. Như thuyết phục khách hàng, linh hoạt, nhạy bén trước các tình huống…

  • Chứng chỉ hành nghề

Môi giới bất động sản trước đây chỉ hình thành tự phát. Trong công việc không có yêu cầu rõ ràng về kiến thức chuyên môn. Từ năm 2016, Bộ xây dựng quy định nhân viên môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề.

Việc tham gia khóa học đào tạo giúp nhân viên môi giới có kiến thức chuyên sâu hơn. Từ đó xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp hơn. Chứ không phải chỉ là bọn “cò đất” trong mắt nhiều người.

  • Khả năng chịu đựng áp lực cao

Làm nghề này bạn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thức thách. Do đó, áp lực công việc là rất lớn. Đặc biệt là vấn đề tìm kiếm khách hàng và tài chính. Nhiều người không thể trụ được và phải bỏ nghề. Vì thế, bạn phải là người chịu được áp lực công việc. Tất cả phải đi qua những kiên trì, nhẫn nại thì mới đến thành công.

  • Không tự ái

Làm môi giới, bạn phải đối mặt với nhiều tình huống với nhiều kiểu người khác nhau. Việc bạn bị từ chối hoặc bị mắng mỏ là chuyện có thể xảy ra thường xuyên. Nếu bạn tự ái thì không thể làm được nghề này. Bạn nên giữ thái độ bình tĩnh, hòa nhã để làm dịu khách hàng.

Dù là nghề nào cũng tồn tại hai mặt. Cách duy nhất để bạn vượt qua thử thách là luôn giữ tâm huyết với nghề. Chỉ khi vượt qua chướng ngại vật thì thành công đạt được mới là quý giá. Cơ hội việc làm môi giới bất động sản luôn rộng mở với thu nhập cao. Nhưng đi kèm với nó là trách nhiệm lớn. Hãy chọn việc làm vì bạn đam mê, bạn thực sự hiểu nó. Chứ không phải vì những con số hay vẻ hào nhoáng bên ngoài.

Nguồn sưu tầm Internet